GD&TĐ - Theo nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, trong giáo dục không có phương pháp hay nhất, mà chỉ có phương pháp phù hợp nhất.
Nhà giáo phải thực sự tâm huyết, lắng nghe để học trò tin tưởng, tìm thấy điểm tựa. Ảnh: ITN
Nhà giáo phải thực sự tâm huyết, đừng thờ ơ, quan liêu mà hãy lắng nghe để các em tin tưởng, tìm thấy điểm tựa ở trường. Chiều ngược lại, phụ huynh cũng cần đồng hành, thấu hiểu và để giáo viên được làm trọn vẹn, đúng nhiệm vụ giáo dục của mình.
Không buông tay con trẻ
“Ở môi trường học đường, những mâu thuẫn của học trò ban đầu thường không quá nghiêm trọng. Nhưng ở lứa tuổi này, do chưa có kinh nghiệm giải quyết các mối quan hệ, có thể khiến sự việc phức tạp hơn và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”, thầy Cao Thanh Bảo nói.
Em N.T.T.T nữ sinh lớp 11D1, Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) là trường hợp đặc biệt khi thường xuyên xảy ra tranh cãi, va chạm với các bạn trong lớp.
Qua theo dõi và tìm hiểu của giáo viên chủ nhiệm, bất cứ bạn nào ngồi gần, hoặc nói chuyện đều bị T. quát mắng khi không vừa ý. Dần dần, không ai dám chơi với T. Em có nguy cơ bị bạn bè cô lập vì tính cách của mình, và xin chuyển lớp. Trong khi D1 là lớp chọn khối D của trường và học sinh đều có năng lực, phấn đấu mới được xếp vào đây. Cô giáo chủ nhiệm đã báo cáo với ban giám hiệu để có phương án xử lý.
Thầy Phan Trọng Đông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nắm bắt sự việc, nhà trường đã chủ động mời phụ huynh của em T đến gặp gỡ, chia sẻ và tìm hướng giải quyết phù hợp. Nhưng trong 2 lần gặp mặt, phụ huynh đều phủ nhận những biểu hiện khác thường trong tính cách, ứng xử của con mình. Đến lần thứ 3, bố mẹ em mới thừa nhận T có dấu hiệu bệnh trầm cảm. Khi phụ huynh dám nói thẳng tình trạng của con, lúc này nhà trường mới có thể thẳng thắn trao đổi.
“Tôi nói với phụ huynh rằng, giáo viên và nhà trường cũng đã nhận ra những bất thường của em T từ lâu, nhưng không được phép kết luận vì thầy cô không phải là bác sĩ. Nhưng giờ đây được sự hợp tác của phụ huynh, tôi đưa ra phương án giải quyết cho phép em T được chuyển đến bất cứ lớp nào mà em thích trong khối 11”, thầy Phan Trọng Đông nhớ lại.
Về phía giáo viên, nhà trường yêu cầu họp lớp và trao đổi với các bạn học khác về tình trạng sức khỏe của T. Mong các em thấu hiểu, giúp đỡ và không cô lập hay xa lánh bạn. Còn em T sau khi được nhà trường đồng ý đã chuyển từ lớp 11D1 sang lớp 11D3.
“Trước khi chuyển lớp, tôi cũng dặn em thử học tập một thời gian cho quen. Nếu cảm thấy không thoải mái, phù hợp, em có thể quay trở về lớp cũ. Kết quả sau 2 tuần chuyển lớp, em đã đến gặp thầy và xin trở lại lớp 11D1. Cô giáo chủ nhiệm vẫn thường xuyên quan tâm, theo dõi, trao đổi qua lại với nhà trường, phụ huynh. Đồng thời học sinh của lớp cũng chào đón em T và luôn tạo cơ hội để cho bạn hòa nhập”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thêm.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3, trong giáo dục không có phương pháp hay nhất, mà chỉ có phương pháp phù hợp nhất. Ví dụ có học sinh khi được động viên, khích lệ, khen ngợi sẽ tiến bộ. Nhưng cũng có em cần áp dụng kỷ cương, nghiêm khắc. Người giáo viên phải thực sự tâm huyết, đừng thờ ơ, quan liêu mà hãy lắng nghe học trò để các em tin tưởng, tìm thấy điểm tựa ở trường.
Ở chiều ngược lại, cũng phải nhìn nhận thực tế một số phụ huynh đang coi con cái mình là độc tôn. Sự chiều chuộng tuyệt đối của phụ huynh đối với con em làm cho lằn ranh giáo dục bị ngăn lại.
Từ thực tế dạy học, quản lý, thầy Phan Trọng Đông cho rằng, khi giáo viên ngại va chạm, để học sinh tự xử lý vấn đề của mình, thiệt thòi đầu tiên chính là các em. Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 mong muốn “hãy để ai làm việc nấy, xin phụ huynh để giáo viên được làm trọn vẹn nhiệm vụ giáo dục của mình. Còn bố mẹ đừng buông tay con cho giáo dục nhà trường, xã hội mà luôn đồng hành để trẻ được thấu hiểu, hỗ trợ tốt nhất trong quá trình trưởng thành”.
Khó khăn đặc thù
Cô Mai Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A2 Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, quan tâm sát sao về mọi mặt tới học sinh của lớp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo viên chủ nhiệm.
Bên cạnh niềm vui mà chỉ công việc này mới có, công tác chủ nhiệm, đặc biệt lớp cuối cấp, cũng có khó khăn đặc thù. Đó là sự thay đổi phức tạp về tâm sinh lý (tình yêu, tình bạn, giới tính, mối quan hệ gia đình, cái tôi cá nhân, thần tượng, áp lực…), nhưng thời gian giáo viên gần gũi với trò có hạn do phải giảng dạy.
Ngoài ra, sự hợp tác không thống nhất của một số phụ huynh trong giáo dục con ở nhà, như sử dụng không hợp lý điện thoại, máy tính vào việc giải trí, chơi điện tử, xem phim không lành mạnh… Đặc biệt, học sinh lớp 9 chịu áp lực trước những kỳ thi quan trọng, nhất là kỳ thi vào lớp 10 khiến tâm sinh lý bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi lồng ghép giáo dục tâm lý cho các em trong những giờ dạy, tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khoá, giờ ra chơi. Tuy nhiên, với những trăn trở trên, chúng tôi rất mong được sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh. Mỗi nhà trường cần có một phòng tâm lý, được phụ trách bởi chuyên viên tâm lý có kinh nghiệm, giúp trẻ nâng cao sức khỏe tinh thần”, cô Mai Thị Nhung chia sẻ.
“Vì chủ nhiệm lớp cuối cấp nên tôi có 1 bảng theo dõi quá trình học tập của trò và cung cấp phản hồi cho các em, phụ huynh để giúp cải thiện kết quả học tập. Có thể nói, công việc rất nhiều và đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, có kỹ năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề, tư vấn và quản lý học sinh tốt”, cô Nguyễn Thị Hồng Lê cho hay.
Với lớp 12, chia sẻ của cô Đỗ Thị Diệu Thuần, Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ), thời điểm “nước rút” chuẩn bị kết thúc năm học và tham gia thi tốt nghiệp THPT, cả thầy và trò đều rất vất vả bởi phải thực hiện nhiều công việc. Trong đó có triển khai kiểm tra học kỳ II; lựa chọn nghề nghiệp đăng ký tuyển sinh; ôn tập để có kiến thức chắc chắn bước vào phòng thi; chụp ảnh kỷ yếu; lễ tri ân năm cuối cấp…
Cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp 12, cô Nguyễn Thị Hồng Lê, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cho biết: Để giúp lớp học tập tốt, giáo viên chủ nhiệm cần có mặt thường xuyên tại lớp 10 phút trước giờ học mỗi ngày, đặc biệt là những ngày học đầu tuần.
Giáo viên chủ nhiệm cũng có trách nhiệm hướng dẫn học sinh trong chọn trường đại học hoặc nghề nghiệp; chuẩn bị cho các hoạt động liên quan đến tốt nghiệp THPT (ôn tập; thu và sắp xếp các loại giấy tờ, hồ sơ liên quan đến dự thi tốt nghiệp; hướng dẫn các em chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cần thiết…); tìm hiểu lịch tuyển sinh, khám sức khỏe của các ngành Công an, Quân đội để tư vấn cho học sinh, phụ huynh… Giáo viên chủ nhiệm sẽ phải quản lý học sinh của mình để bảo đảm cùng tuân thủ các quy định của trường và hoàn thành nhiệm vụ được giao; đồng thời cũng giải quyết các vấn đề liên quan đến học trò.
Là cấp trưởng chủ nhiệm, Trường THCS-THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội), cô Lê Thị Thanh Bình cho hay, bên cạnh công việc có tính hành chính, giáo viên chủ nhiệm như một người trưởng thành nhất lớp có trách nhiệm “chăm sóc” học sinh của lớp.
Nghĩa là giáo viên chủ nhiệm không chỉ quản lý lớp học, hỗ trợ trò học tập, giải quyết mọi vấn đề phát sinh trên lớp mà là người tạo dựng một môi trường lớp học thân thiện, tin cậy, tôn trọng, khuyến khích sự giao tiếp mở và chân thành giữa các em; tạo điều kiện cho trò cảm thấy thoải mái chia sẻ, trao đổi vấn đề cá nhân hoặc học tập.
Học sinh Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (huyện Nam Đàn, Nghệ An) chơi bóng bàn sau giờ học.
Để trường học an toàn, hạnh phúc
Ngày 18/4, một vụ đánh nhau xảy ra ngay sau giờ tan trường, trong phòng học của học sinh khối 10. Sự việc nhanh chóng được xác nhận diễn ra tại Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An). Nhận thông tin, ban giám hiệu nhà trường lập tức yêu cầu các học sinh liên quan viết bản tường trình, mời gia đình các em đến làm việc. Qua trò chuyện, những mâu thuẫn, xích mích đã được tháo gỡ, học sinh cũng làm hòa và đều xin lỗi về những hành động khi chưa được kiểm soát. Gia đình cũng thấy thỏa đáng với cách xử lý của nhà trường.
Theo thầy Hiệu trưởng Cao Thanh Bảo, trong học đường, vấn đề bạo lực học đường lúc nào cũng có thể xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trường hợp nặng, học sinh có thể nhận hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học. Tuy nhiên, nhiều năm dạy học và làm công tác quản lý, thầy Cao Thanh Bảo cho hay, việc đuổi học rất hi hữu. Vì bản thân các em kể cả là nạn nhân hay người gây ra hành vi bạo lực đều có nguyên nhân ẩn giấu phía sau và cần được giúp đỡ. Nếu đuổi học đồng nghĩa với việc nhà trường chối bỏ, đẩy em ra ngoài xã hội thì đó là bất lực của giáo dục.
Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, Trường THPT Hà Huy Tập đang sử dụng đồng thời nhiều biện pháp. Đó là lắp đặt camera tại nhiều khu vực như hành lang, trước cổng nhà trường và một số lớp học. Bộ phận bảo vệ và nền nếp luôn kiểm soát không để những đối tượng lạ mặt vào trường tìm cơ hội gây gổ. Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là công an phường Lê Lợi để giải quyết nếu có sự việc bất thường xảy ra.
Bên cạnh đó, nâng cao vai trò giáo viên chủ nhiệm. Thực tế tất cả trường học đều có tổ tư vấn tâm lý học đường nhưng học sinh thường ngại tìm đến. Thường các em vẫn tìm đến giáo viên chủ nhiệm trước tiên để trình bày các vấn đề, đề xuất nguyện vọng. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm phải biết lắng nghe, chia sẻ, trong trường hợp sự việc khó giải quyết hoặc vượt tầm phải báo cáo nhà trường cùng xử lý.
Trường THPT Đặng Chánh Kỷ là trường trọng điểm của huyện Nam Đàn, Nghệ An. Thầy Nguyễn Vương Linh, Hiệu trưởng cho hay, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng chịu áp lực thành tích. Các thầy cô luôn phải cố gắng để đem lại kết quả học tập tốt nhất cho học sinh và tốt hơn so với trường thường.
“Không thể phủ nhận tâm huyết, yêu nghề, chăm lo cho học sinh của giáo viên nhà trường. Nhưng lâu nay, các thầy cô chỉ mới chú trọng vào dạy kiến thức văn hóa. Vì thế lãnh đạo nhà trường phải tạo sự chuyển biến trong quan điểm dạy học của giáo viên. Bên cạnh kiến thức, còn phải tạo không gian để các em giải trí, hoạt động trải nghiệm”, thầy Vương Linh chia sẻ.
Theo đó, nhà trường xây dựng thư viện xanh, thành lập các câu lạc bộ dân ca, bóng bàn… Những không gian mở này thu hút học sinh tham gia, giải trí sau giờ học hiệu quả. Đặc biệt là học sinh cuối cấp, nhiều em nhà xa phải ở lại trường buổi trưa để học ôn vào buổi chiều. Qua thời gian, dù chưa có kết quả cụ thể, nhưng không khí trong trường của cả học sinh, giáo viên trở nên thân thiện, tích cực, cởi mở hơn.
“Từ khóa” để cảm hóa học trò
Cô Nguyễn Thị Ngọc Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9D Trường THCS Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Nếu lứa tuổi tiểu học dễ bảo, học sinh THPT đã khá trưởng thành, có nguyện vọng, ước mơ, hoài bão; thì lứa tuổi THCS có những đặc thù khiến công tác chủ nhiệm vất vả hơn.
Các em còn trẻ con, nhưng thích thể hiện như người lớn, ương bướng, đôi lúc trái khoáy, không chịu nghe lời. Giai đoạn nhạy cảm đặc biệt ở lớp cuối cấp bởi tâm lý lứa tuổi và áp lực trước kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng. Bởi vậy, giáo viên chủ nhiệm vừa là cô, vừa là mẹ, vừa là bạn để thấu hiểu tâm tư, vướng mắc của học trò.
Kinh nghiệm từ 33 năm làm công tác chủ nhiệm, giải pháp cô Ngọc Oanh thấy tâm đắc nằm trong 6 “từ khóa”: Hài hòa yêu thương và nghiêm khắc; thấu hiểu và sẻ chia; bao dung và che chở; kiên trì giảng giải; khuyến khích động viên đúng lúc, kịp thời.
“Đầu tiên phải nghiêm khắc cho các em vào kỷ luật. Nhưng nghiêm khắc với lứa tuổi này chưa đủ mà phải là sự nghiêm khắc xuất phát từ tình yêu thương. Cùng với đó, là hiểu tâm tư học trò để thấu hiểu, sẻ chia. Chỉ cần tinh ý phát hiện trẻ có vấn đề, dành thời gian gặp gỡ trò chuyện riêng là có thể cởi mở, chia sẻ vấn đề mình gặp phải.
Tôi từng nói với học trò, ‘khi vui quá, hoặc buồn quá, các em không nên lên mạng chia sẻ, vì điều đó không giúp gì được cả. Các em cần tìm người chia sẻ và cô thì sẵn sàng ở đây lắng nghe, nếu giúp được sẽ giúp hết mình’. Bên cạnh đó, điều vô cùng quan trọng là tìm hiểu nếu trò mắc lỗi, đừng vì 1 lần vi phạm mà quy chụp học sinh vô ý thức, vô kỷ luật. Ngoài ra, hãy ghi nhận, động viên, tuyên dương kịp thời, kể cả những tiến bộ nhỏ của học trò”, cô Ngọc Oanh chia sẻ.
Với kinh nghiệm 14 năm làm công tác chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Trang, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cho rằng: Trước hết, mỗi thầy cô phải là một tấm gương sáng để học sinh noi theo. Đồng thời, gần gũi, thấu hiểu, quan tâm, nắm chắc hoàn cảnh từng em trong lớp; luôn giữ vai trò chủ đạo trong phối hợp với các lực lượng giáo dục.
Riêng lớp cuối cấp, giáo viên chủ nhiệm không chỉ dạy kiến thức mà còn phải dõi theo tâm sinh lý mỗi em, giải quyết các tình huống xảy ra một cách tế nhị, biết lắng nghe và phân tích cho trẻ hiểu. Giáo viên chủ nhiệm còn phải là người đồng hành, định hướng việc lựa chọn trường thi, khối thi, nghề nghiệp cho học trò. Đây là bước ngoặt quan trọng, nếu được định hướng đúng sẽ giúp các em rất nhiều về sau này.
“Tôi nghĩ, biện pháp làm tốt công tác chủ nhiệm thì nhiều, điều quan trọng là áp dụng phù hợp. Bên cạnh đó, biện pháp là cần thiết, nhưng hơn cả vẫn là tấm lòng, sự nhiệt tình, trách nhiệm và tình thương yêu học trò của chính thầy cô”, cô Nguyễn Thị Trang cho hay.
Buổi học vào sáng ngày 20/4, cô Trần Thị Việt Hà, chủ nhiệm lớp 9D Trường THCS Hưng Đồng (huyện Nghi Lộc) cũng dành thời gian để trao đổi về vấn đề bạo lực học đường. Theo cô Hà, những mâu thuẫn ở độ tuổi học trò phần lớn là nhất thời. Trong trường hợp sự việc bị kéo dài thì việc phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội và ban chấp hành hội phụ huynh là điều cần thiết. Giáo viên chủ nhiệm hiện nay áp lực công việc rất lớn. Nhưng trong một lớp học không phải em nào cũng gặp sự cố. Chỉ cần giáo viên bỏ công sức, tâm tư với học trò và theo sát các hoạt động của lớp sẽ tạo được niềm tin và cùng với các em tháo gỡ những vướng mắc.
(Theo báo Giáo dục thời đại)