GD&TĐ - Ngày 4/5, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức Tập huấn công tác truyền thông giáo dục cho cán bộ quản lý năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu khai mạc chương trình tập huấn.
Tham dự lễ khai mạc có ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, ông Lê Thắng Lợi, Phó Giám đốc phụ trách Báo chí, Trung tâm Phát triển Giáo dục và đào tạo phía Nam, Nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại.
Hơn 200 cán bộ quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó đại diện cho các trường THPT tại TPHCM cùng tham dự buổi tập huấn.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Công tác truyền thông trong nhà trường hiện nay rất quan trọng. Đây cũng là nhiệm vụ chính của các trường trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Do đó trong nhiều lần họp giao ban với các hiệu trưởng, Sở đã nhắc nhiều về vấn đề này và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chính chứ không phân công cho ai.
Trách nhiệm chính của chúng ta là việc dạy và học trong nhà trường, phụ huynh phải biết và nắm đúng thực tế hoạt động dạy học của con em. Trong quá trình dạy và học có khả năng xảy ra những vấn đề ngoài ý muốn, việc xử lý các vấn đề nảy sinh trong thời gian qua đã chứng minh điều đó. Có nhiều hiệu trưởng không muốn ở ngoài biết việc của trường, muốn cho êm chuyện, không muốn cha mẹ và phụ huynh biết, điều đó là sai lầm…
Nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát biểu tại chương trình.
Chúng ta phải làm sao quản lý được truyền thông, quản lý được vấn đề chứ không thể bưng bít thông tin. Khi chúng ta biết cách nói, biết xử lý, quản lý thông tin thì báo chí chính là một kênh rất quan trọng trong việc tuyên truyền, lan tỏa những thông tin tích cực cũng như xóa bỏ những nghi kị, những cái nhìn không thiện cảm với ngành giáo dục.
Hiệu trưởng các trường cần phải thay đổi góc nhìn báo chí, xem báo chí là kênh thông tin, đồng hành cùng sự phát triển nhà trường...
Buổi tập huấn hôm nay sẽ giúp bản thân mỗi hiệu trưởng, nhà trường có thêm kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm trong việc quản lý và xử lý truyền thông. Đặc biệt là việc tổ chức các hoạt động học tập, giảng dạy trong nhà trường, tuyên truyền và lan tỏa các giá trị tốt đẹp đến phụ huynh và xã hội tốt hơn.
Cán bộ quản lý các trường tại buổi tập huấn công tác truyền thông.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, Nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết: Giáo dục là lĩnh vực luôn nhận được sự quan tâm của người dân và toàn xã hội. Mỗi chính sách, sự thay đổi của ngành Giáo dục đều có ảnh hưởng rất lớn.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, lượng thông tin mỗi ngày là rất lớn và nguồn thông tin cũng đa dạng. Nếu công tác truyền thông trong các cơ sở giáo dục không theo kịp sự phát triển sẽ bị tụt hậu. Kéo theo đó là hàng loạt vấn đề nảy sinh khi thông tin, mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình học sinh, chính quyền địa phương và xã hội bị gián đoạn.
“Chúng tôi mong muốn qua chương trình tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên và nhà trường sẽ làm tốt hơn nữa công tác truyền thông ngành, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” - Nhà báo Dương Thanh Hương nhấn mạnh.
Tại buổi tập huấn, Th.S Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM đã chia sẻ đến các cán bộ quản lý ngành giáo dục TPHCM các chuyên đề về kỹ năng viết tin, bài truyền thông; Truyền thông và quảng bá thương hiệu nhà trường; Chăm sóc Website, Fanpage cá nhân và của trường học.
Th.S Bích Ngọc cũng chia sẻ đến cán bộ kỹ năng phát ngôn trong khủng hoảng truyền thông và các nguyên tắc quan hệ với báo chí; Quản trị truyền thông nội bộ bảo đảm các chủ trương đổi mới, quy định của ngành đến từng cán bộ, giảng viên và người học trong cơ sở giáo dục…
Th.S Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng truyền thông Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM (trái) trao đổi với cán bộ quản lý tại chương trình.
Tham gia chương trình tập huấn, cán bộ quản lý được các giảng viên nâng cao kỹ năng truyền thông trong giáo dục. Qua đó góp phần truyền tải thông điệp của cơ sở giáo dục tới phụ huynh, học sinh; nâng cao ảnh hưởng và vị thế của các cơ sở giáo dục trong xã hội.
Đây còn là cơ hội để giáo viên, các nhà quản lý biết cách xoa dịu, dập tắt các thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, vị trí của cơ sở giáo dục; Thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa các cơ sở giáo dục với phụ huynh, học sinh và xã hội…
(Theo Báo Giáo dục & Thời đại)