Đã có phụ huynh “sập bẫy”, các đơn vị tiếp tục phát cảnh báo nóng
Trước tình hình phức tạp của hoạt động tội phạm lừa đảo “con đang cấp cứu” xảy ra trên địa bàn TP Hà Nội mấy ngày gần đây, các trường học, lực lượng công an, bệnh viện tiếp tục phát cảnh báo nóng tuyên truyền phụ huynh nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống tội phạm.
Phụ huynh trình báo bị lừa
Tại thông báo do cơ quan công an gửi trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành đã nêu một trường hợp phụ huynh Hà Nội bị sập bẫy lừa qua hình thức gọi điện thông báo “con đang cấp cứu” yêu cầu chuyển tiền.
Đó là trường hợp của nạn nhân là chị V.T.H, trú tại quận Hoàng Mai. Cụ thể: Sáng 14/3/2023, chị H nhận được điện thoại từ số lạ thông báo con chị (đang học tại trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên) bị ngã tại trường, đang cấp cứu tại BV Việt Đức và yêu cầu chị chuyển 2 lần tiền vào số tài khoản cá nhân do đối tượng cung cấp. Quá lo lắng, chị H đã chuyển khoản vào số tài khoản theo thông tin chỉ định của đối tượng, sau đó mới kiểm tra lại phía nhà trường thì được xác nhận là con đang học tập bình thường. Biết mình bị lừa, chị H đã đến CA trình báo.
Thông báo gửi phụ huynh trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành có nêu trường hợp bị lừa chuyển tiền
Sau diễn biến vụ việc trên, “góc phụ huynh cần cảnh giác” trên website của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) có chia sẻ nội dung: "Nếu thực sự con bị tai nạn cần mổ cấp cứu, thông thường, bệnh viện sẽ không có thời gian liên hệ phụ huynh yêu cầu chuyển tiền ngay; càng không yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Bệnh viện cũng sẽ không chấp nhận một người lạ của bệnh nhân ký hộ giấy phẫu thuật/mổ".
Làm rõ hơn về quy trình cấp cứu của bệnh viện, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), khẳng định trong ngành y, tính mạng của người bệnh là quan trọng nhất và được đặt lên trên hết, vì thế khi tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, các bác sĩ sẽ thực hiện mọi biện pháp để cứu chữa, còn các vấn đề khác được thực hiện sau. Theo GS Giang, viện phí là quy định bắt buộc, có thể do BHYT chi trả hoặc người bệnh chi trả. Tuy nhiên, đây không phải là điều kiện để thực hiện có hay không việc cấp cứu/phẫu thuật cho người bệnh cấp cứu, không có chuyện phải chuyển tiền cấp cứu trước rồi mới được chữa trị.
Tại công văn Công văn 677/SGDĐT-CTTT- KHCN về việc cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các cơ sở giáo dục tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, học sinh; khuyến cáo cha, mẹ học sinh trong toàn trường ở tất cả các cấp học nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo; bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng với bất kỳ hình thức nào. Đồng thời liên hệ ngay với nhà trường xác minh thông tin chính xác và trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.
Thực hiện nhiều hình thức truyền thông
Để tuyên tuyền hiệu quả đến phụ huynh, Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) đã thiết kế bảng thông tin hướng dẫn chi tiết về thủ đoạn, các bước xử lý khi bị kẻ gian gọi điện thông báo học sinh bị tai nạn cần tiền cấp cứu.
Trong bảng thông tin này gửi tới giáo viên, phụ huynh, trường nêu ra 3 tình huống kẻ mạo danh có thể nhập vai: Giáo viên, bác sĩ hoặc nhân viên bệnh viện, cán bộ cơ quan chức năng. Kẻ xấu liên hệ và đặt người nhà học sinh vào tình huống khẩn cấp, dễ gây rối trí để phụ huynh nhanh chóng chuyển tiền.
Hầu hết các trường học đã gửi thông tin cảnh báo đến phụ huynh
Trường THCS Trưng Vương khuyến cáo phụ huynh, khi nhận được cuộc gọi cần bình tĩnh liên lạc với giáo viên chủ nhiệm hoặc đường dây nóng của trường, đường dây nóng của Công an phường để được hỗ trợ và tuyệt đối không chuyển tiền hoặc đăng nhập đường link lạ để tránh bị kẻ xấu chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, Trường Tiểu học Tây Sơn cảnh báo phụ huynh toàn trường rằng, kẻ mạo danh khi tiếp cận phụ huynh thường đã nắm được toàn bộ thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh của con, tên giáo viên chủ nhiệm. Do đó, khi nhận được thông tin con gặp nạn và nói đúng thông tin, phụ huynh không được rối trí mà cần bình tĩnh để nhận định, đồng thời gọi điện cho các thầy cô để kiểm tra, đối chứng.
Đề phòng trường hợp phụ huynh không liên hệ được với giáo viên trong giờ dạy học, các lớp của Trường THPT Việt Đức gửi thông báo tới cha mẹ học sinh khi nhận được thông tin bất thường, liên hệ với lớp trưởng, bí thư, cán bộ Đoàn, đường dây nóng… để xác minh thông tin.
Theo thông tin từ Trường THPT Kim Liên, trước đó nhà trường đã đề cao cảnh giác, tuyên truyền tới toàn bộ cán bộ, giáo viên, phụ huynh về các tình huống lừa đảo. Ngoài phòng tiếp dân, số điện thoại văn phòng, ban giám hiệu trực, từ nay trường sẽ lập Đường dây nóng, đăng lên website để phụ huynh liên lạc khi cần thiết.
Còn Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy) liên tục thông tin tới phụ huynh cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, đồng thời thông tin được gửi trên hệ thống liên lạc điện tử của nhà trường để tất cả phụ huynh nắm được.
Nhà trường lưu ý: Nếu nhận được điện thoại với nội dung "con đang cấp cứu" yêu cầu chuyển tiền gấp, cha mẹ nên bình tĩnh và liên hê với nhà trường để xác nhận thông tin. Nhà trường thông báo đến phụ huynh 4 kênh liên lạc chính thức gồm số điện thoại tổng đài (duy nhất), sổ liện lạc điện tử SMS, sổ liên lạc điện tử online, kênh zalo.
Bên cạnh tuyên truyền cho phụ huynh, các nhà trường cũng trực tiếp truyền thông đến học sinh, giúp các em biết về tình hình của tội phạm lừa đảo, từ đó lan tỏa đến anh em, bạn bè, người thân để cùng nâng cao cảnh giác.
Được biết, Công an TP Hà Nội đang thực hiện rà soát các vụ việc tương tự xảy ra trên địa bàn; yêu cầu các đơn vị triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền để quần chúng Nhân dân nắm được phương thức thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, trong đó cần phối hợp ngay với các nhà trường để phổ biến phương thức thủ đoạn của các đối tượng đến phụ huynh học sinh và triển khai tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của phường, xã, thị trấn... về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo này.
(Theo Kinhtedothi)