11 startup nổi bật trong lĩnh vực giáo dục

07/03/2023 in News

Trong số 50 công ty, dự án vào vòng Bình chọn của Startup Việt 2022, có 11 ứng viên khởi nghiệp ở lĩnh vực giáo dục.
Các ứng viên này mang đến những ý tưởng cùng phương pháp mới nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ở mọi cấp độ.

Vòng Bình chọn Top 50 Startup Việt đang diễn ra đến hết ngày 9/9. Ảnh: Lưu Quý
Vòng Bình chọn Top 50 Startup Việt đang diễn ra đến hết ngày 9/9. Ảnh: Lưu Quý
9MIN
Ứng dụng học đa ngôn ngữ 9MIN, do Techco., SJC phát triển, xây dựng chương trình học cùng lộ trình bám sát thị yếu và thói quen học - thi để giúp người học đạt bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết với chi phí thấp. 9MIN kỳ vọng giúp hàng triệu người học ngôn ngữ nhanh hơn để có thể đạt mục tiêu mà bản thân đề ra. Ứng dụng này đã trải qua hai vòng tiền hạt giống (pre-seed) và hạt giống (seed) với tổng giá trị 900.000 USD.
TutorU
Nền tảng giáo dục TutorU được thành lập vào tháng 2/2018, cung cấp các lớp học trực tuyến theo nhóm nhỏ. TutorU có các tính năng như hỗ trợ tìm lớp học trực tuyến theo chuyên đề, lịch học linh hoạt, tương tác trực tiếp với giáo viên nhiều kinh nghiệm... Nền tảng hứa hẹn giải quyết những hạn chế đang còn tồn tại, mang đến lợi ích cho cả hai bên, khi người dạy được tăng thêm thu nhập và người học nhận được nhiều kiến thức bổ ích hơn.
Riolish
Trợ lý Anh ngữ Rolish là nền tảng dạy và học tiếng Anh trực tuyến trên Android và iOS, ra đời vào tháng 10/2020. Ứng dụng được thiết kế theo mô hình khung năng lực giúp người dùng đi từ cấp độ cơ bản đến thành thạo, có thể làm chủ tiếng Anh trong thời gian ngắn. Đại diện Riolish khẳng định mang đến phương pháp học khoa học và trực quan hơn, như Mô hình Bộ ba kết nối, đọc chính tả Dictation và mô tả tranh ảnh Interactive Exercise.
DeepView
Được thành lập tháng 9/2021, DeepView hứa hẹn thúc đẩy việc tập trung tự học bằng cách cung cấp nút "ảo", có thể dán lên mọi website video học liệu dưới dạng extension. Người dùng sẽ nhận câu hỏi để trả lời, nhận điểm thưởng và đổi thành quà tặng hoặc bất cứ thứ gì, từ đó biết được bản thân đang hiểu nội dung tới đâu. Ứng dụng có thể áp dụng trong nhiều trường hợp như ở trường học, doanh nghiệp hay trong các chiến dịch quảng cáo. Deepview đã nhận được đầu tư từ Zone Startup Việt Nam và đã có những khách hàng lớn đầu tiên như Đại học trực tuyến Funix, công ty New Image... thu về hàng tỷ doanh thu bán trước dịch vụ.
ICorrect
Đây là hệ thống hỗ trợ người học luyện nói tiếng Anh với giáo viên bản ngữ ảo, ra đời tháng 1/2018. Hệ thống kết nối người học với giáo viên, cung cấp tài liệu, giúp hình thành phản xạ nghe - nói và tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh.

ICorrect nằm trong top 5 công trình tiêu biểu trong "Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục 2021" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, top 7 sản phẩm số triển vọng vào vòng chung khảo cuộc thi Nhân Tài Đất Việt 2019 và từng được Google Play đề cử trong danh mục "New And Updated App". Hệ thống này đã trải qua vòng tiền hạt giống trị giá 65.000 USD.
Chars
Chemical AR Studying (Chars) là ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) vào mô phỏng thí nghiệm hóa học trong giáo dục. Chương trình được xây dựng vào tháng 1 dựa trên những trải nghiệm thực tiễn khi học môn Hóa học tại trường, vốn thiếu đi những bài thực hành nhằm cụ thể hóa những lý thuyết khô khan và trừu tượng. Chars cung cấp thông tin của chất hóa học, thẻ flashcard, thể hiện các thí nghiệm và hiện tượng phản ứng nhằm giúp người học tăng thêm sự hứng thú, tìm hiểu nhiều hơn với môn Hóa.
SchoolCare
Hệ thống thông tin Gia đình - Nhà trường được xây dựng vào tháng 1 với bốn tính chất quan trọng gồm Tập trung và Quản lý, Thông tin toàn diện, Công cụ chọn lọc và Hệ thống thông minh. SchoolCaree giúp nhà trường có thể quản lý, theo dõi, phân tích một cách thuận tiện. Trong khi đó, gia đình cũng có thể nắm được thông tin về tình hình học tập của con cùng các thông tin liên quan. Hệ thống này đã trải qua vòng tiền hạt giống với mức vốn 15.000 USD.
Hoola
Nền tảng tạo website đào tạo trực tuyến Hoola, ra đời tháng 12/2020, hỗ trợ cho các đơn vị giáo dục, nhà tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của việc giảng dạy và họp trực tuyến. Sản phẩm có nhiều tính năng cùng khả năng quản lý rộng, tính bảo mật cao, tương thích đa thiết bị, chi phí thấp, ghép nối nhiều công cụ từ các nền tảng khác nhau, đồng thời đáp ứng nhu cầu xây dựng thương hiệu riêng của cá nhân. Hoola đã trải qua vòng tiền hạt giống bởi sáng lập viên đầu tư với mức vốn 100.000 USD.
eJoy
eJoy là hệ sinh thái đa nền tảng học ngoại ngữ. Theo đại diện startup này, điểm khác biệt của nền tảng này so với các đối thủ chính là trải nghiệm học tập, khi người dùng có thể luyện ngôn ngữ bằng nhiều hình thức như đọc báo, xem phim, có thể hiểu nội dung qua công cụ dịch tại chỗ, từ đó có thể thành thạo bốn kỹ năng của tiếng Anh gồm nghe, nói, đọc và viết.
Thinking School
Thinking School được sáng lập tháng 6/2018 nhằm đáp ứng nhu cầu học trực tuyến, giải quyết những bất cập trong việc quản lý và dạy học. Hệ thống kết nối đồng bộ giữa các thành phần và đồng bộ về quản lý dữ liệu. Dựa vào các mối quan hệ quốc tế, Thinking School đã có nhánh ở Thụy Sĩ. Hệ thống đã vượt qua vòng tiền hạt giống bởi các nhân viên đầu tư với mức vốn 10.000 USD.
OneGroup Việt Nam
Onekids - Oneschool của OneGroup ra đời tháng 5/2017, là nền tảng quản lý trường học, tương tác và chia sẻ giữa gia đình - giáo viên - nhà trường. Đây là tập hợp các ứng dụng dành riêng cho từng nhóm người dùng như giáo viên, phụ huynh và học sinh, dễ sử dụng, đầy đủ các tính năng hỗ trợ cho việc quản lý.
Tham gia bình chọn Top 50 Startup Việt 2022
Startup Việt là sự kiện thường niên do VnExpress tổ chức nhằm tìm kiếm các dự án khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam. Trong lần thứ sáu tổ chức, chương trình có chủ đề Kỷ nguyên sáng tạo - The New Era of Innovation. Tổng giải thưởng của cuộc thi là gần hai tỷ đồng, sẽ được trao cho các đội trong top 20. Trong đó, đội quán quân nhận giải gồm 50 triệu đồng tiền mặt và gói truyền thông trị giá 200 triệu đồng.
Sau hơn một tháng khởi động, Startup Việt 2022 nhận được hơn 300 hồ sơ tham gia. Chương trình đã sơ loại và chọn ra 50 hồ sơ vào giai đoạn Bình chọn, diễn ra từ 16/8 đến 9/9. Từ 50 hồ sơ, 20 dự án xuất sắc sẽ tiếp tục vào vòng Bán kết, dựa trên số lượt vote của độc giả và điểm của ban cố vấn.
Chất lượng của startup sẽ được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí về cơ cấu tổ chức, sản phẩm - dịch vụ, thị trường mục tiêu, mô hình kinh doanh, tiềm năng nhân rộng mô hình. Hội đồng chuyên môn của chương trình là các cố vấn, chuyên gia khởi nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, doanh nhân khởi nghiệp thành công.

(Theo VnExpress)

Leave a Reply

Your email address will not be published.