Hiện nay, vẫn có nhà trường chỉ đạo giáo viên soạn giáo án không trúng mục tiêu bài học, gây quá tải, kém hiệu quả...
Cô Nguyễn Cẩm Hường và học sinh trong giờ học.
Hiện nay, vẫn có nhà trường chỉ đạo giáo viên (GV) soạn giáo án (kế hoạch bài dạy) theo từng tiết, mỗi tiết lại chia nhiều hoạt động (theo các mục trong sách giáo khoa) dẫn đến không trúng mục tiêu bài học, mà còn gây quá tải, kém hiệu quả.
Vì sao quá tải?
Theo hướng dẫn tại Công văn 5512 về tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục trong trường học (và các văn bản trước đây như Công văn 3535 năm 2013, Công văn 5555 năm 2014, Công văn 4612 năm 2017), kế hoạch bài dạy (giáo án) được xây dựng theo bài học.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), nhiều giáo viên vẫn soạn giáo án theo từng tiết, mỗi tiết lại chia nhiều hoạt động (nhiều khi chia theo các mục trong sách giáo khoa) dẫn đến vừa không trúng mục tiêu bài học, mà còn gây quá tải, kém hiệu quả.
Kế hoạch bài dạy quá dài do chép lại các nội dung kiến thức trong sách giáo khoa (không phân biệt giữa nội dung hoạt động với nội dung kiến thức). Đôi khi giáo viên còn đưa vào tiết học nhiều nội dung, dẫn đến trong mỗi tiết học đưa ra quá nhiều câu hỏi/lệnh để học sinh trả lời, thực hiện gần như tức thời, không có thời gian dành cho trò suy nghĩ, thực hiện.
Lưu ý các nhà trường cần nghiên cứu và triển khai kỹ hơn Khung kế hoạch bài dạy theo Công văn số 5512 để giáo viên hiểu rõ/thực hiện, PGS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: Khung kế hoạch bài dạy không phải là mẫu giáo án mà chỉ là định hướng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Mỗi kế hoạch bài dạy được xây dựng cho 1 bài học nhiều tiết học (có tiết/các tiết lý thuyết cho tổ chức hoạt động “hình thành kiến thức”; có tiết/các tiết bài tập/thực hành cho tổ chức hoạt động “luyện tập” để phát triển các kỹ năng, hình thành và phát triển năng lực học sinh.
Mỗi hoạt động “học lý thuyết”, “làm bài tập” phải có đủ thời gian cho học sinh thực hiện theo câu hỏi/lệnh đặt ra. Mỗi câu hỏi/lệnh đặt ra cho học sinh thực hiện phải rõ mục tiêu (đạt được gì), nội dung hoạt động (học sinh phải làm gì như đọc/nghe/nói/viết/làm), sản phẩm học tập (câu trả lời cho câu hỏi, lời giải cho bài tập/kết quả thực hiện lệnh). Một tiết học tốt là tiết học trong đó “học sinh tích cực”, tự lực làm việc cá nhân để trả lời câu hỏi/thực hiện lệnh của giáo viên trước khi trao đổi với bạn hoặc trình bày trước cả lớp.
Cần sự đầu tư của GV
Theo thầy Nguyễn Phương Bắc, GV Trường THCS Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh), soạn giáo án vốn là công việc thường nhật của GV nên thực hiện theo Công văn 5512 không có gì khó. Công văn cũng hướng dẫn khá chi tiết để GV có thể vận dụng linh hoạt trong khâu soạn bài trước khi lên lớp.
Các hoạt động dạy học được thiết kế trên cơ sở phát huy năng lực chủ động, tích cực từ học sinh, nên GV có thể vận dụng các phương tiện, phương pháp dạy mới học để thiết kế bài dạy theo nhiều hình thức nhằm giảm căng thẳng và tăng sức hấp dẫn, sinh động đối với học trò.
Tuy nhiên, để soạn giáo án theo hướng dẫn của Công văn 5512, GV cần nghiên cứu kỹ các nội dung, hiểu đúng mục tiêu bài dạy và vận dụng linh hoạt theo từng đối tượng, kiểu bài, nội dung kiến thức cụ thể để phát huy hiệu quả của giờ học.
Thực tế, Công văn 5512 đã định hướng rõ ràng, từ việc lập kế hoạch đến khâu xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án). Tuy nhiên, thầy cô cũng không nên hiểu máy móc phải áp dụng nguyên mẫu. Từ những hướng dẫn trong Công văn của Bộ GD&ĐT, thầy cô có quyền lựa chọn cách thức và hình thức xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, đối tượng mà mình đang giảng dạy, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục. Các đề xuất, điều chỉnh của GV sẽ do cấp quản lý trực tiếp có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt để thầy cô có thể vận dụng linh hoạt, hiệu quả.
“Dạy Khoa học tự nhiên và Hóa - Sinh, soạn giáo án theo hướng dẫn của Công văn 5512 giúp tôi rất nhiều trong lựa chọn hình thức tổ chức dạy học phù hợp để đạt được mục tiêu; đặc biệt phát huy tính chủ động sáng tạo của học sinh, biết vận dụng kiến thức đã học vào đời sống.
Để soạn được giáo án có chất lượng, theo tôi, cần xác định rõ vị trí, luôn đảm bảo tính hệ thống, kế thừa của mỗi kế hoạch bài dạy. Xác định được phương pháp tổ chức dạy học hiệu quả và đa dạng trong các hoạt động. Có hệ thống câu hỏi, phương pháp phù hợp trong tổ chức hoạt động kiểm tra đánh giá cho học sinh. Tuy nhiên, nếu GV lựa chọn tổ chức quá nhiều hoạt động trong một tiết học, không có sự linh hoạt khi tổ chức dẫn đến thiếu thời gian. Do đó, sau mỗi tiết học GV sẽ tự rút kinh nghiệm và điều chỉnh kế hoạch cho bài dạy sau” - cô Nguyễn Cẩm Hường chia sẻ.
Là GV Trường THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội), cô Nguyễn Cẩm Hường cho biết: Triển khai Công văn 5512, GV căn cứ trên kế hoạch của tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục của mình trong năm học; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) để tổ chức dạy học. Các bước xây dựng kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 xác định rõ mục tiêu, sản phẩm và cách tiến hành hoạt động của mỗi đơn vị kiến thức, giúp GV xác định yêu cầu và tìm ra phương pháp phù hợp triển khai các hoạt động dạy học hiệu quả nhất.
Cô Trần Thị Mai, GV Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), cũng nhận định, việc soạn giáo án theo Công văn 5512 không gây khó khăn cho giáo viên. Về cơ bản, hướng dẫn trong Công văn 5512 không khác nhiều so với cách GV thực hiện trước đây; chỉ khác là phải thể hiện rõ ý đồ dạy học của mỗi GV, giống như một kịch bản lên lớp. “GV có thể tham khảo Khung kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512 của Bộ GD&ĐT để soạn giáo án.
Giáo án trước đây đã soạn kỹ, thầy cô chỉ cần sắp xếp các hoạt động theo trình tự hợp lý của Công văn 5512 là hoàn thành. Khung năng lực và phẩm chất trong Chương trình GDPT tổng thể cũng là tài liệu hỗ trợ cho GV trong việc xác định mục tiêu cần đạt. Khi kiểm tra, thanh tra công tác soạn giảng của GV, người kiểm tra không nên cứng nhắc yêu cầu GV phải soạn theo đúng hướng dẫn của Bộ, vì mẫu giáo án đó chỉ là tham khảo” - cô Trần Thị Mai nêu quan điểm.
Để soạn một giáo án chất lượng, theo cô Trần Thị Mai, trước tiên giáo viên cần nghiên cứu kỹ tài liệu; xác định đúng mục tiêu cần đạt của bài học về kiến thức, năng lực, phẩm chất cần đạt; định hướng được mỗi đơn vị kiến thức, nội dung trong bài sẽ thiết kế hoạt động như thế nào, sử dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học gì; sau đó là tìm học liệu cần thiết (video, hình ảnh, thông tin, câu chuyện…). Cuối cùng, giáo viên sẽ bắt tay vào việc soạn giáo án. Trong quá trình soạn giáo án, giáo viên phải xác định “trúng”: Mục tiêu, nội dung và sản phẩm, câu hỏi, câu lệnh, nhiệm vụ giao cho học sinh phải thật rõ ràng.
(Theo Giaoducthoidai)