Các kỳ thi học sinh giỏi, vốn từng là điểm sáng trong quá khứ, dứt khoát phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh hiện nay và tìm lại được vai trò của mình.
Nhất định phải thay đổi kỳ thi học sinh giỏi để phù hợp với bối cảnh hiện tại và tương lai. Trong ảnh: thí sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp TP.HCM năm 2022 làm thủ tục vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP.HCM sáng 7-4 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Những cuộc thi hướng về lựa chọn theo đam mê, phù hợp với năng lực và điều kiện từng hoàn cảnh, mở rộng, đa dạng nhiều chủ điểm, nhiều mức độ chắc chắn luôn cần thiết cho nhiều cá nhân và cho tương lai.
Từ câu chuyện Olympic
Trong kỳ thế vận hội mùa hè Tokyo 2021, sự kiện một nhà toán học nữ tham gia và đoạt huy chương vàng bộ môn xe đạp đường dài tạo ra câu chuyện lôi cuốn thú vị giữa sự nghiệp và đam mê. Nhiều người đi lên từ phong trào thể thao sinh viên trường đại học rất sôi nổi. Đi thi thì tự túc chi phí, nếu có thành tích thì về nhà được thưởng chút đỉnh. Tập luyện thể thao song hành với 1, 2 bằng đại học để về sau còn có sự nghiệp sau giải nghệ.
Ngay cả hình ảnh thần thái và cảm xúc của họ trong cuộc tranh tài: tập trung, hết mình, không nản lòng, chỉ đôi thoáng thất vọng nếu thất bại, rạng rỡ khi trên đỉnh vinh quang, quyết liệt trong cuộc đua, cởi mở và đoàn kết sau cuộc tranh tài...
Cũng là Olympic, một số chương trình Olympic quốc gia của Trung Quốc lại được kế hoạch và tổ chức theo dạng chương trình quốc gia, được đầu tư ngân sách. Nhiều vận động viên như môn thể dục dụng cụ, bơi lội, bóng bàn, điền kinh phải dành cả tuổi thanh xuân để được tuyển chọn, tập luyện và thi đấu.
Chỉ cần nhìn vào hai hình ảnh có phần trái ngược đó, mỗi người sẽ có cảm nhận cho riêng mình. Cũng như những người làm chính sách phát triển có thể tham khảo một vài khía cạnh để sử dụng.
Đến thi học sinh giỏi nước mình
Đã có không ít người trưởng thành từng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi trong quá khứ bỗng một ngày cảm thấy hối tiếc vì kỷ niệm đáng lẽ thật đáng tự hào năm xưa. Chính trong diễn đàn lần này người đọc cũng bắt gặp những câu chuyện như vậy.
Khi nhìn lại cuộc thi năm xưa, họ thấy dường như mình đã đánh đổi quá nhiều thứ trong đó có niềm say mê, cơ hội vui chơi học tập nhường chỗ cho sự ép buộc và những áp lực vì mục tiêu, thành tích, giải thưởng... Hoặc thời gian trôi qua, một ngày họ tự nhận thấy thời đi học lẫy lừng như vậy nhưng sao chính những người đồng trang lứa, vốn sức học bình thường, không góp mặt hoặc có ít thành tích hơn, giờ đây lại có cuộc sống tốt hơn và thành đạt hơn.
Cả hai góc nhìn như vậy đôi lúc sẽ dẫn tới một quan điểm cuộc thi học sinh giỏi là một dấu mốc không cần thiết, hoặc việc giành được giải thưởng đã phải trả một cái giá quá lớn, lớn hơn rất nhiều niềm vinh hạnh và trưởng thành mà một cá nhân có thể nhận được.
Thực tế, vấn đề đầu tiên là việc học hành trong quá khứ không chú trọng nhiều về quyền được chọn lựa và theo đuổi, cũng như hoàn cảnh rất nhiều gia đình và cá nhân không cho phép họ có được sự lựa chọn đó. Thậm chí, ngay cả một ngưỡng cửa như đại học, đối với nhiều người, là cánh cửa duy nhất để thoát nghèo. Suy nghĩ ấy mạnh hơn tất cả, át hết cả động lực theo đuổi, niềm say mê và khả năng phù hợp. Điều này tất yếu dẫn đến việc tham gia kỳ thi là một gánh nặng và đánh đổi.
Thứ hai, việc khoác cho kỳ thi một vai trò - chiếc vé hứa hẹn thành công cuộc đời cũng là cách nhìn vượt quá nhiều so với ý nghĩa thực sự của nó. Không một cuộc thi nào có thể đưa ra thông điệp và mục đích như vậy. Cho nên, một kỳ thi không thể và không bao giờ có khả năng bao đồng mục tiêu đạt được các phẩm chất, năng lực để đảm bảo cho thành công ở tương lai.
Thứ ba, ngay cả việc xem xét thế nào là thành công và viên mãn trong cuộc sống có thực sự xác đáng hay không. Đó có phải là niềm hạnh phúc, viên mãn sự nghiệp đến từ chất lượng và khả năng của con người hay không. Nếu đây là một đề tài lớn và cần một thảo luận khác, chí ít hy vọng rằng những người đang nói về nó sẽ không đánh đồng với việc thành công là có địa vị và có nhiều tài sản hơn người khác.
Điều chỉnh để tốt hơn
Tổ chức kỳ thi học sinh giỏi còn nhiều điểm băn khoăn khác, tỉ như việc nguồn lực quá lớn ngành giáo dục đang dành cho nó, khiến các hoạt động và đánh giá khác bị ảnh hưởng, xem nhẹ, gây khó khăn trong việc phát triển đồng đều và đảm bảo khả năng được tiếp cận giáo dục bình đẳng.
Rất mong qua những diễn đàn trao đổi như lần này, ngành giáo dục và xã hội sẽ nhìn nhận được đúng mức vai trò của các kỳ thi học sinh giỏi và những khiếm khuyết đã bộc lộ của nó.
Dưới góc nhìn riêng, tác giả luôn tin rằng với một đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình quan trọng như Việt Nam, nơi những đòi hỏi về chất lượng xã hội, nền kinh tế và con người phải cao hơn nhiều các giai đoạn trước đây. Trong đó, chúng ta luôn hy vọng chất lượng đó phần lớn là kết quả của một nền giáo dục tốt.
Minh Anh
(Tuoitre)